Theo đó, đường trên cao Bắc - Nam bắt đầu từ nút giao đường Cộng Hòa - Trường Chinh đến đường Nguyễn Văn Linh đề xuất là tuyến đường mới, kết hợp một phần tuyến đường trên cao số 1, số 2 và số 3 (theo quy hoạch) tạo thành hệ thống trục giao thông đô thị Bắc Nam kết nối với đường Vành đai 2, kết nối giữa khu vực nội thành và ngoại thành. Đồng thời, kết nối khu vực phía Bắc Thành phố (quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp và quận 12), khu vực sân bay Tân Sơn Nhất với khu vực trung tâm (quận 1, 3, 4), khu đô thị Nam Sài Gòn và ngược lại.
Tuyến đường đi của tuyến này: Dọc theo đường Cộng Hòa - Bùi Thị Xuân - Hẻm 656 (Cách Mạng Tháng Tám) - Bắc Hải - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - dọc kênh Ông Lớn và kết thúc tại đường Nguyễn Văn Linh. Toàn tuyến có chiều dài 14,1 km, chiều rộng 30 m, phần đường trên cao 4 làn xe 16 m. Tổng mức đầu tư ước tính khoảng 30.000 tỉ đồng, được đề xuất theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BOT.
Sở GTVT nhận định trước tình hình khó khăn về ngân sách, việc đầu tư hạ tầng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) giai đoạn hiện nay là phù hợp. Sở kiến nghị UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND kêu gọi đầu tư và phát triển đường trên cao theo các phương án:
Phương án 1: Giao Sở GTVT phối hợp với các đơn vị có liên quan để thực hiện công tác chuẩn bị dự án (lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án khả thi), tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với một số tuyến đường trên cao theo quy hoạch được phê duyệt.
Phương án 2: Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện đề xuất dự án PPP theo quy định.
Theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải được Thủ tướng chính phủ phê duyệt, chậm nhất đến năm 2020, Tp.HCM xây dựng xong tổng cộng 5 tuyến đường bộ trên cao với tổng chiều dài là 70,7 km. 5 tuyến đường này sẽ liên thông nhau để giải quyết giao thông ở các trục có lưu lượng xe cộ lớn. Tuy nhiên từ khi lên kế hoạch vào năm 2005, TP vẫn chưa có tuyến nào được đầu tư xây dựng.
Bảo Anh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị