Giá nhà tăng nhanh hơn thu nhập
Từ Quảng Nam vào TPHCM học và làm việc ở đây đã hơn 10 năm, thế nhưng anh Nguyễn Viết Hùng vẫn phải đi thuê trọ tại quận 12. Nhắc tới chuyện mua nhà, anh Hùng chỉ cười, nói ước mơ có một căn nhà đã xuất hiện ngay từ khi anh mới đặt chân vào Sài Gòn, thế nhưng bây giờ đó là điều không tưởng.
Căn hộ có giá vừa túi tiền khoảng 2 tỷ đồng trở xuống (25-30 triệu đồng/m2) và căn hộ nhà ở xã hội hầu như vắng bóng trên thị trường TPHCM trong hai năm qua.
Anh Hùng chia sẻ, với thu nhập hiện tại của hai vợ chồng gần 20 triệu/tháng, sẽ phải tính toán để dành 5 triệu là tiền cho đứa con đang học mẫu giáo, tiền phòng trọ mỗi tháng 3 triệu, tiền ăn của cả gia đình khoảng 5-6 triệu, ngoài ra còn các khoản như tiền xăng xe đi làm, tiền điện thoại... Tính ra, với mức thu nhập như vậy tích cóp lắm mỗi tháng anh chị chỉ dư ra khoảng 3 triệu, nhưng số tiền này cũng phải để dành chứ không dám tiêu vì sợ trường hợp ốm đau, chuyện bất trắc. Anh cũng đã tìm hiểu một số dự án căn hộ nhưng đều phải lắc đầu vì cái giá bán vượt ngoài tầm với, mặc dù nó được gắn với cái mác là nhà cho người thu nhập thấp, trung bình.
Trường hợp như anh Hùng ở Sài Gòn không phải là hiếm. Mỗi năm TPHCM tiếp nhận hàng trăm ngàn người nhập cư từ các địa phương khác tới làm việc và sinh sống, đa số trong số đó là những người trẻ trong độ tuổi lao động. Nhu cầu về một ngôi nhà đầu tiên là rất cao nhưng với giá nhà đất tăng chóng mặt thời gian qua, giấc mơ sở hữu nhà của những người trẻ càng trở nên xa vời.
Trong báo cáo thị trường nhà ở quý III/2020, Savills Việt Nam cho biết thị trường nhà ở đang đối mặt với sự nhảy cảm về giá, ở khu vực ngoài vành đai ba cũng đã có giá tới 60 triệu đồng/m2. Với thu nhập bình quân đầu người Việt Nam năm nay khoảng 2.750 USD/người (gần 64 triệu đồng/người), giá nhà đang vượt quá xa thu nhập đại đa số người dân. Cơ hội mua căn hộ 1 tỉ đồng đang dần “biến mất” với những người trẻ.
Còn theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA), hiện nay tại TPHCM, căn hộ trung cấp 2 phòng ngủ có giá khoảng 2,5 tỷ đồng (35 triệu đồng/m2), cao hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của các hộ gia đình, cá nhân. Cá hộ gia đình, cá nhân hiện chỉ có khả năng dành dụm được khoảng 8-12 triệu đồng/tháng, khoảng trên dưới 100 triệu đồng/năm.
Cũng theo HoREA, căn hộ có giá vừa túi tiền khoảng 2 tỷ đồng trở xuống (25-30 triệu đồng/m2) và căn hộ nhà ở xã hội hầu như vắng bóng trên thị trường TPHCM trong hai năm qua.
Nghiên cứu của Batdongsan.com.vn cho thấy, giá bán căn hộ tại TPHCM hiện nay cao gấp 7 lần thu nhập của lao động thuộc tầng lớp quản lý có kinh tế khá giả, gấp 10 lần nhóm thu nhập trung lưu, gấp 17 lần người lao động phổ thông và 28 lần người trẻ mới đi làm.
Còn DKRA Việt Nam khẳng định, kể từ năm 2019 cơ hội mua được nhà của người trẻ càng thấp do hầu như thị trường không còn xuất hiện loại căn hộ giá trên dưới 1,1-1,5 tỷ đồng một căn. Cụ thể, trong 3-5 năm trở lại đây, giá căn hộ hạng C và hạng B từ mốc 16-21 triệu đồng/m2 nay đã chạm ngưỡng 25-36 triệu đồng/m2. Giá bất động sản không ngừng leo thang đã khiến cơ hội sở hữu nhà ngày càng khó khăn với người trẻ có mức thu nhập từ 15-30 triệu đồng mỗi tháng. Đặc biệt, giá nhà trung cấp tại TPHCM đã chạm ngưỡng 40-45 triệu đồng/m2, một số dự án 50-60 triệu đồng/m2.
Người mua nhà phải có chiến lược
Ông Phạm Lâm, CEO của DKRA Việt Nam cho rằng, điều cần làm hiện nay là làm sao để kéo giảm giá nhà và có nhiều nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu nhà ở của đông đảo người có thu nhập trung bình, người có thu nhập thấp đô thị. Đây là vấn đề vừa có tính cấp bách, vừa đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở lâu dài, vừa phát triển thị trường bất động sản theo hướng minh bạch, lành mạnh, ổn định và bền vững.
Ông Phạm Lâm dẫn chứng, chỉ trong vòng 5 năm qua, giá nhà đã tăng 50-60%, trong khi nguồn cung nhà giá rẻ (căn hộ hạng C) sụt giảm. Như năm 2015 giá căn hộ hạng B (căn hộ trung bình) giá khoảng 21 triệu đồng/m2 thì đến nay tăng lên 36 triệu đồng/m2, trong khi đó căn hộ hạng C năm 2015 khoảng 16 triệu đồng/m2 thì nay đã lên 25 triệu đồng/m2.
Để mua được nhà tại TPHCM, người trẻ cần phải có chiến lược và tính toán cụ thể, nếu không sẽ rơi vào khủng hoảng nợ vì mua nhà.
Mức tăng giá của đất nền còn kinh khủng hơn khi trong 5 năm qua tăng hơn 100%, có chỗ tăng hơn 200%. Giá nhà đất tăng phi mã trong khi thu nhập, lương của người lao động tăng theo không kịp. Căn hộ hạng C người trẻ dễ mua nhất, nhưng lượng căn hộ hạng C rất ít. Nếu năm 2016 căn hộ hạng C chiếm khoảng 30% thì đến năm 2018 còn khoảng 17%, đến nay gần như đã biến mất khỏi thị trường.
Ông Lâm tính toán, nếu một người trẻ thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, muốn mua căn nhà khoảng 1,5 tỷ đồng thì phải tích cóp trong 20 năm. Bởi để có thu nhập 15 triệu đồng/tháng, thì người trẻ phải chi ra 9 triệu đồng làm sinh hoạt phí, như vậy còn dư 6 triệu đồng/tháng (đó là chưa nói đến thuế thu nhập cá nhân) thì 1 năm còn dư được 72 triệu đồng. Nếu muốn mua căn hộ khoảng 1,5 tỷ đồng (căn hộ rẻ nhất hiện nay) thì người trẻ phải mất khoảng 20 năm. Nhưng lúc đó, giá nhà có còn ở mức 1,5 tỷ đồng/căn hay đã tăng gấp mấy trăm phần trăm.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng, để mua được nhà tại TPHCM, người trẻ cần phải có chiến lược và tính toán cụ thể, nếu không sẽ rơi vào khủng hoảng nợ vì mua nhà.
Trước hết, phải có tối thiểu 30% giá trị căn nhà tích cóp trước hoặc trợ giúp từ gia đình mà không phải lo trả nợ. Và thu nhập của hai vợ chồng phải gấp đôi số tiền dùng để trả góp khi mua nhà. Chẳng hạn, mỗi tháng trả tiền nhà 10 triệu đồng, thu nhập phải tối thiểu 20 triệu đồng vì còn chi tiêu cho gia đình.
“Chỉ được dùng tối đa 50% thu nhập của mình để trả khoản vay mua nhà mà thôi, không được vượt quá, kẻo sẽ bị quá tải. Quá tỷ lệ trên sẽ rơi vào cảnh nợ nần khủng hoảng, không có đủ tâm trí để làm những việc khác tăng thu nhập được”, ông Phúc nói.
Theo Duy Quang
Tiền phong