Sở GTVT TPHCM vừa cho biết, dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13, từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu đang được lập kế hoạch đầu tư và sẽ triển khai trong giai đoạn 2021-2025. Dự án có tổng vốn đầu tư là gần 10.000 tỉ đồng từ nguồn ngân sách thành phố. Trong đó, chi phí xây dựng hơn 1.300 tỉ, tiền giải phóng mặt bằng khoảng 8.100 tỉ; còn lại là các khoản chi phí tư vấn, quản lý, di dời hạ tầng kỹ thuật, dự phòng...
Đoạn từ ngã tư Bình Phước đến chân cầu Bình Triệu dài 5,5 km được hình thành từ 18 năm trước. Ban đầu, thành phố dự kiến mở quốc lộ rộng 32 m, sau đó nâng lên 53 m, rồi 60 m với tổng vốn đầu tư hơn 4.700 tỷ đồng. Hiện tại, thành phố giảm xuống mở rộng 43 m, tổng vốn đầu tư còn gần 3.200 tỷ đồng.
Được biết, quốc lộ 13 là trục đường quan trọng ở cửa ngõ Đông Bắc Sài Gòn, kết nối với Bình Dương và Bình Phước, tổng chiều dài 140,5 km. Quốc lộ 13 được ví như trục giao thông xương sống của hệ thống giao thông tỉnh Bình Dương và nằm trong hệ thống đường Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), có tên quốc tế là AH13 (ASEAN Highway). Đường này có ý nghĩa như chiếc đòn bẩy nâng cao vị thế của Bình Dương lên vị trí dẫn đầu cả nước về phát triển công nghiệp, đô thị, thu hút đầu tư.
Tại địa phận tỉnh Bình Dương, tháng 1/2021 tỉnh đã điều chỉnh cục bộ kế hoạch đầu tư công, tăng vốn đầu tư để giải phóng QL13 đoạn từ nút giao Tự Do đến ngã tư Lê Hồng Phong. Theo UBND tỉnh, quốc lộ 13 qua Bình Dương sẽ được mở rộng kết nối với nhiều tuyến đường quan trọng khác.
Cụ thể, có đến 17 công trình sắp triển khai sẽ đi qua QL13 bao gồm các tuyến đường sắt đô thị số 2, 3, 5, 8; công trình trung chuyển, bến kỹ thuật được bố trí tại khu vực Lotte Mart và hơn 10 tuyến xe buýt đô thị kết hợp xe buýt nhanh (BRT)... Ngoài ra, từ trục đại lộ này, sẽ phát triển 5 trung tâm thương mại cấp đô thị phụ trợ có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình đô thị hóa và thực hiện dự án "Vùng đổi mới sáng tạo" của Bình Dương.
Mới đây Sở GTVT TPHCM và Bình Dương cũng đã có một số cuộc họp làm việc với nhau nhằm bàn thảo bản kế hoạch triển khai và đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Phía Bình Dương cho biết hiện đã mở rộng QL13 lên 6 làn xe, sắp tới lên 8 làn xe, đưa quốc lộ trở thành đại lộ. Do đó, quốc lộ 13 được xem là miền đất hứa cho các nhà đầu tư với hàng loạt thương hiệu lớn như: Aeon Mall, Lotte Mart, các Bệnh viện quốc tế Hạnh Phúc, Becamex, Columbia Asia… Trục đường này cũng là nơi tập trung nhiều KCN như: VSIP 1, Việt Hương… với hàng chục ngàn chuyên gia, kỹ sư chất lượng cao.
Cùng với đó, hàng loạt doanh nghiệp BĐS như Sembcorp, Phát Đạt, Danh Khôi, Lê Phong, Hưng Thịnh, Đất Xanh…đang đẩy mạnh phát triển hàng loạt dự án BĐS dọc trục quốc lộ 13, đặc biệt là khu vực Thuận An với nguồn cung căn hộ mới giai đoạn 2017 - 2020 lên đến hơn 4.000 căn đến từ các dự án như Habitat, The Emerald Golf View, Astral City. Trong số các dự án này Astral City do Phát Đạt đầu tư, DKRA Vietnam - Tổng đại lý tiếp thị và phân phối là dự án có quy mô lớn nhất với 8 tòa tháp cao 40 tầng với chuỗi tiện ích vượt trội, lần đầu tiên xuất hiện tại Bình Dương như hồ bơi vô cực trên không, suối nhiệt đới giữa dự án.
Được biết, hiện tỷ lệ tiêu thụ căn hộ tại Bình Dương đạt khoảng 92%, mức giá 20 - 25 triệu đồng/m2 giai đoạn năm 2017 - 2018 đã chạm ngưỡng 38 - 45 triệu đồng/m2. Ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam dự kiến, mức giá này sẽ chưa dừng lại. Loại hình căn hộ cao cấp cũng dần xuất hiện đáp ứng nhu cầu cao của khách hàng như:...
Ðánh giá về tầm quan trọng các chiến lược đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đối với phát triển của thị trường bất động sản, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, cho rằng việc ba địa phương là TPHCM - Bình Dương và Bình Phước hợp tác nhau thúc đẩy tiến độ triển khai đầu tư, mở rộng tuyến QL 13 chắc chắn sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế và hình thành nên các khu đô thị vệ tinh.
Nam Anh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị